31/10/15

Chúng ta nên đi bao xa?
Chúng ta có thể đi bao xa?
Và chúng ta phải đi bao xa?
Khi “vĩnh viễn” chỉ là một từ mà mỗi người nuôi dưỡng thành ảo tưởng cho riêng mình?

Mùa hè xanh thẳm. Trời nóng như đổ lửa. Quạt trần chạy rì rì trên đầu. Ở góc phòng, radio bật một bài hát xưa lời lẽ có phần ẻo lả ướt át. Tôi nằm gối đầu lên bụng Lâm, nghe kể chuyện. Nhà ở sát phố, buổi trưa thỉnh thoảng có tiếng guốc lộp cộp trên nền gạch, cảm giác thật hoài cổ và mơ hồ.


Năm 3 tuổi, tôi không còn bố. Chẳng có gì nhiều nhặn ở lại trong kí ức của một đứa trẻ. Bố vĩnh viễn biến mất sau cánh cửa. Như thế, người ta gọi nó là sự bỏ đi. Hoặc giũ bỏ cũng được. Tối nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng, xoa xoa lưng, nước mắt chảy ngang thấm vào đêm u uất. Đấy là khi lớn lên tôi nghĩ thế mỗi lần nhớ về những lần ngủ chung giường với mẹ, loay hoay treo màn, vén cho kĩ để muỗi không vào được. Tôi nghĩ mẹ đã khóc vì bà chưa một lần kể lại bất cứ nỗi đau nào liên quan đến bố. Rồi cứ hết mùa này đi qua lại đến mùa khác tới, tôi lớn lên trong căn nhà cổ ở sát phố, thỉnh thoảng bần thần nhìn mưa rũ xuống nhánh lá me vươn vào sát tận phòng mình. Màu xanh ướt đẫm ấy chắc phải mang trong mình rất nhiều hi vọng trong trẻo. Mẹ hay bảo tôi là bảo bối của mẹ. Dù có ngỗ ngược thì cũng không thể nào giấu được sự yếu đuối lẩn sau trong đáy mắt. Tôi khi mười hai tuổi đã được nghe câu này. Lúc đấy không hề hiểu tại sao con người lại phải cố che giấu nỗi buồn của mình để làm gì. Bởi vì người ta có thể khóc để hết đau cơ mà. Mẹ chỉ cười. Bầu trời là một mảng thênh thang không tô vẽ. Thuần khiết. Như nhiên. Cho đến ngày mỗi một người gặp gỡ định mệnh của mình và rơi lệ.
Lâm là một chàng trai quá đỗi xinh đẹp. Thật vậy. Quá đỗi xinh đẹp là tất cả những gì mà tôi có thể nói khi nghĩ về cậu ấy. Đôi mắt buồn với hàng mi dày. Những ngón tay dài và mảnh. Bờ vai rộng. Giọng nói ấm áp và dịu dàng như thể dồn nén, đóng gói mọi yêu thương. Chúng tôi lớn lên cùng nhau. Bốn chữ lớn lên cùng nhau mang trên mình một thanh âm sâu sắc giản dị. Nhà Lâm ở cách nhà tôi một trăm hai mươi lăm bước chân về phía cái trụ gắn loa phát thanh buổi sáng. Hồi đó, vào lúc bảy giờ mỗi ngày, mùa đông, tôi mặc áo bông chần màu đỏ, ngồi sau lưng mẹ, loa bắt đầu phát nhạc như chương trình Những bông hoa nhỏ trên ti vi, đi đến trước cổng nhà Lâm thì dừng lại. Mẹ Lâm dắt xe ra. Chúng tôi cùng đi học. Có những hôm mẹ tôi phải đi dạy từ sớm, thế là mẹ Lâm chở cả hai đứa, bám chặt vào nhau. Đến cách trường học hai con phố thì ghé vào, mỗi đứa được một cốc sữa đậu nành nóng hổi. Lâm lớn hơn tôi một lớp. Học chung trường tới tận trung học. Ngần ấy năm, không bỏ lỡ một ngày nào mà không xách hộ cặp cho tôi đến tận cửa lớp rồi mới quay lưng chạy về lớp của mình. Mối tình đầu của tôi là năm mười tuổi, với cậu bạn học cùng lớp. Tôi hỏi: “Nhé?”. Lâm gật đầu: “Ừ ”. Thế là vẽ một bức tranh hai hình tròn có tai đang nắm tay nhau, chú thích bên dưới là “gấu Cảnh Huân và gấu Yên” thì mới hiểu là vẽ gấu, rồi mang đến chìa thẳng vào mặt. Bạn Cảnh Huân khi ấy rất “có thế lực” vì đẹp trai nhất lớp, lại còn được đại diện trường đi thi cờ vua ở khắp nơi. Mặt đỏ bừng bừng, giật lấy mảnh giấy rồi đi thẳng. Tình yêu kết thúc. Mãi sau này Lâm mới hỏi tại sao. Tôi bảo vì lúc bạn Cảnh Huân đỏ mặt nhìn không giống hoàng tử gì cả.

À phải rồi. Từ lúc mười tuổi đó. Tôi đã luôn tin mình sẽ gặp được chàng hoàng tử của đời mình. Đùng đùng như kiểu rạch trời rơi xuống hay ngã từ bụi rậm ra cũng được. Nhưng nhất định sẽ rất bất ngờ. Trong khi chờ đợi, tôi càng lớn lại càng có thêm một cơ số người “đề nghị” đón đưa đi học. Nhưng chỉ thích đi cùng Lâm để mày tao chí tớ như hồi bé. Có một lần Lâm giận. Rất lâu. Khoảng ba tiếng đồng hồ thì phải. Vì gia đình tôi quyết định chuyển nhà mà đến tận ngày cuối cùng tôi mới nói với Lâm. Mẹ bảo bán nhà ở phố, vào ngõ sống thì lợi ra được một số tiền để cho tôi đi học. Lâm giận. Không nói một lời nào, chỉ cặm cụi giúp mẹ tôi khuân những thùng các tông lớn chất lên xe tải. Thỉnh thoảng vẫn không quên hỏi mẹ tôi có mệt không. Năm ấy Lâm mười bảy tuổi. Tôi mười sáu. Lâm đã cao hơn tôi một cái đầu. Tóc lúc nào cũng cắt cao sát gáy và hay mặc áo t-shirt màu đen như mấy bạn cùng thời hâm mộ nhạc Rock. Lâm nhảy lên thùng xe tải, tôi cũng mím môi trèo lên cùng. Lâm nhíu mày “Xuống đi!”. Tôi liên tục lắc đầu. Xe chạy. Lâm ngồi lên một cái thùng, tôi rón rén ngồi xuống bên cạnh. Và bắt đầu hát.
“ Nếu có một ngày chúng ta phải bước đi
Em sẽ đặt tên anh kề cạnh tên em
Trên một hòn đá nhặt từ ngọn đồi cũ
Rồi ném vào thinh không để vĩnh viễn bên nhau

Và sẽ có một ngày em phải quên anh.
Quên cách anh hôn, quên cách anh gọi tên em
Cả bàn tay đã từng đặt lên vai em rất khẽ
Vì anh của ngày hôm qua đã không còn là anh của hôm nay…”
Lâm bật cười. Xoa đầu tôi. “Cái gì cũng phổ ra nhạc mà hát được nhỉ!”. Tôi cũng cười. Nhặt được một tờ rơi quảng cáo trên sàn xe, xếp thành cái máy bay giấy, rồi phóng ra bên ngoài không trung. Ngược gió. Chiếc máy bay khẽ chao đảo rồi rơi lại phía sau.

“Lâm à, thực ra là nhà tớ chỉ cách xa hơn một tẹo thôi phải không?”
Đến mãi sau này, tôi vẫn tin rằng mình nên nói mọi điều với Lâm vì không bao giờ muốn nhìn thấy Lâm giận nữa. Giống như kiểu bạn nhận thức rõ được mình sẽ tệ thế nào nếu làm đối phương buồn. Mùa Xuân năm 2002, mẹ Lâm gặp tai nạn giao thông rất nặng. Một thằng nhóc tầm tuổi chúng tôi say rượu lạng lách trên phố rồi đâm trúng bác. Bác bị hôn mê nhiều ngày liền trong bệnh viện. Bố Lâm lúc ấy đang đi công tác nước ngoài. Nhà chỉ còn các bác bên họ. Tôi cùng mẹ mình túc trực ở bệnh viện với Lâm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp M. Anh là bác sĩ phụ trách cho mẹ Lâm. Và anh cũng đồng thời là anh trai của thằng nhóc đã gây hoạ. Tôi ngồi cạnh, nắm tay Lâm, ngước mắt nhìn M nói chuyện với mẹ tôi. Tôi không nghe rõ hai người nói gì, tay mỗi lúc một siết chặt tay Lâm hơn và đột nhiên cảm thấy căm ghét M kinh khủng. Bất giác thốt ra thành tiếng: “Đồ xấu xa!”. Cả M và mẹ đều quay lại nhìn tôi có chút giật mình. Mẹ tôi nhíu mày. Còn M thì tiến lại gần. Chững chạc và rành mạch. M bảo: “Anh xin lỗi. Anh nhất định sẽ cố hết sức mình.” M giữ lời hứa. Hai tuần sau, mẹ Lâm qua khỏi cơn nguy kịch. Kể từ đó, mỗi buổi chiều đi học về, tôi mới biết M hay đến đón con ở trường mẫu giáo đầu ngõ nhà tôi. Lần nào M cũng gật đầu chào. Tôi ngoảnh mặt đi đến lần thứ ba…thì cũng gật đầu chào lại rồi đi thẳng.

Sinh nhật lần thứ mười tám, mẹ hỏi tôi có muốn gặp bố không. Tôi không biết. Nửa muốn nửa không. Vì cảm giác thật hoang đường. Từ “bố” giống như một từ cấm kị trong nhà chúng tôi như thể nó là một cái nút bấm khởi động của mọi thứ suy nghĩ ngột ngạt. Lâm cũng biết điều đó nên chưa bao giờ hỏi tôi bất cứ điều gì liên quan. Nhưng tôi thì lại chủ động kể. Một cách gián tiếp qua thư. Ví dụ như này. Một lần nọ, tôi đi chợ hoa Tết. Gần đấy người ta dựng sân khấu ngoài trời cho bọn trẻ con biểu diễn văn nghệ. Tôi thấy một người rất giống với bố tôi trong ảnh đang đứng quay phim lại tiết mục trên sân khấu giống rất nhiều…phụ huynh khác bên dưới. Tôi đứng khoanh tay nhìn người đàn ông đó một lúc. Rồi chạnh lòng. Về nhà viết email cho Lâm. Kết thư bằng một dòng đầy những dấu chấm hỏi day dứt. Hay như hồi lớp năm, bố Lâm đến đón cả hai chúng tôi đi học về. Tôi buộc miệng: “Con cũng muốn có bố đến đón!”. Đoạn đường trở nên yên ắng lạ thường và dài ra hun hút. Tôi nói với Lâm tôi rất sợ nhìn thấy ai đó bỏ đi khỏi cuộc đời mình. Nó là thứ tình cảnh hoàn toàn bất lực và có đủ khả năng khiến bản thân tự dằn vặt suốt đời bằng câu hỏi “mình không đủ tốt ư?” Hiển nhiên là chẳng ai trả lời hết cả. Nên điều đó lại càng tệ. Sau này có yêu ai tôi cũng bắt người ta hứa dù có muốn buông tay, phải để tôi là người được đi trước. Lâm gọi tôi là con ngốc. Vì nếu đã muốn ra đi, mọi lí do đều thành vô nghĩa cả. Huống chi là chuyện ai đi trước ai đi sau. Lâm đúng. Nhưng tôi không vượt qua được nỗi sợ hãi đấy. Cho đến khi gặp M. Tôi vẫn thấy Lâm đúng. Mà tình yêu của tôi chưa bao giờ hữu hạn hết cả, nhất là khi tôi trong một thời gian dài đã tin. M chính là hoàng từ “rạch trời rơi xuống” của mình.
Cuối cùng tôi đi gặp bố. Bố tôi có nhiều tiền. Có gia đình sung túc với một người vợ lấp lánh và ba đứa con đủ trai đủ gái. Họ sống trong một ngôi nhà to sừng sững trên phố lớn, có hàng rào rất cao. Sinh nhật bố, ông đãi tiệc tại một khách sạn sang trọng. Tôi thấy sự ái ngại của mình trong chiếc váy len màu xám trơn cùng đôi giày thể thao đã cũ khi đặt chân vào nơi như thế. “Giá mà có Lâm ở đây!” Tôi nghĩ vậy. Bố dắt tôi vào căn phòng đã được đặt riêng cho khoảng mười người. Nhưng chỉ có sáu người đã ngồi sẵn ở đó. Rồi tôi thấy M bên cạnh một người chắc là vợ. Bố giới thiệu từng người một. Vợ bố. Em Sơn đang học lớp chín, em Linh đang học lớp bảy và người phụ nữ ngồi cạnh M, chị Minh cùng chồng. Một thằng nhóc tầm 3 tuổi đang chạy chơi loanh quanh trong phòng, tôi đoán là người mà M đi đón mỗi buổi chiều. Tất cả họ đều nhìn tôi lạ lẫm. Tôi kéo ghế tự ngồi xuống. Bố hỏi tôi những câu theo kiểu “tìm hiểu nhau”. Những người còn lại không ai nói lời nào với tôi hết cả. Tôi biết M nhìn mình. Linh cảm mơ hồ gạch những gạch đầu dòng trong đầu rằng có gì đó không bình thường đang diễn ra trong khoảng cách giữa tôi và người đàn ông đó. Thật kì quặc là tôi biết mình thích cảm giác này. Mọi người cặm cụi ăn. Nhẹ nhàng uống. Thỉnh thoảng thì thầm với người bên cạnh những lời rất khẽ. Bố đã ngà ngà say. Nói lớn tiếng: “Sau này thỉnh thoảng Yên đến nhà ăn cơm với cả nhà nhé!” Không ai đáp lời. Bố hắng giọng. Vợ bố nhìn tôi: “Khi nào thích thì đến!” Chị Minh cũng nhìn tôi, rồi quay mặt đi chỗ khác. Tôi ngước mắt nhìn lại. “Không cần đâu ạ!” Vợ bố cười khẩy: “Đến đi, lâu lâu được một bữa thịnh soạn cũng tốt mà!” Bố tôi lại hắng giọng. Tôi hiểu mình rõ ràng đã quyết định nhầm. Vội vã kéo ghế đứng lên. Ra về không một lời chào tạm biệt. Tôi muốn gặp Lâm ngay lập tức. Vì tất cả bọn họ. Tất cả bọn họ khiến tôi nghẹt thở.

Lâm đang tập trung sơn lại chiếc xe đạp leo núi của mình trong sân nhà. Gió có màu vàng rất nhẹ. Tôi vứt túi lên sàn gạch, ngồi bệt xuống ở hiên.
-       Sao đấy?
-       Những con người khó chịu!
-       Ừ. Cũng bình thường mà.
-       Thế thì họ nên từ chối việc gặp gỡ này chứ?
-       Tớ cũng không rõ. Nhưng cậu không thể đòi hỏi họ yêu mến cậu được.
-       Vẫn không thể ưa nổi. Tại sao bố tớ lại bỏ đi. Mẹ tớ xinh đẹp hơn…mụ váy hoa đó nhiều!
-       Mẹ cậu không kể à?
-       Tớ chưa bao giờ hỏi.
-       Và cậu không thắc mắc?
-       Tớ không dám thắc mắc. Tớ sợ mẹ tớ buồn. À hay là tớ hỏi mẹ cậu nhỉ? Chắc là mẹ cậu biết.
-       Thực ra thì tớ có hỏi mẹ tớ.
-       Như nào?
-     Hồi xưa xưa, bố cậu đi công tác ra Bắc, gặp mẹ cậu rồi hai người yêu nhau, có cậu. Nhưng mà bố cậu giấu là đã có gia đình trong Nam cho đến khi vợ bố cậu, chính là bác váy hoa hôm nay ấy, xuất hiện. Mẹ tớ bảo là bác ấy khóc lóc rất nhiều, nói nguyên văn rằng mẹ cậu không có bố cậu thì vẫn sống tốt được, chứ bác ấy thì không. Thế rồi mẹ cậu buông tay. Chuyện là như vậy.
Tôi hiểu được tận sâu trong tiềm thức của mình luôn chôn giấu một nỗi giận hờn uất ức. Mười lăm năm, bố ra đi và chưa từng một lần gọi điện hay nhắn tin hỏi xem tôi thế nào. Nhưng tôi có Lâm, có mẹ. Tôi vẫn nghĩ mình đủ trừ một đôi lần không thể ngăn mình cảm thán vài lời rồi thôi. Nhưng hôm nay thì khác. Giống như thể một ngày tình cờ, bạn được biết câu chuyện cuộc đời mình đã từng được viết không như mình nghĩ. Và rồi sự giận hờn uất ức bấy lâu vốn giấu kĩ tìm được những nấc thang đầu tiên để leo lên mà chế ngự tất cả các cảm xúc khác trong tim bạn. Tôi muốn hỏi Lâm tại sao cuộc sống lại không công bằng? Mẹ tôi từ năm tôi ba tuổi đã nhận làm tất cả mọi công việc có thể, cho dù là giữ con cho người ta sau giờ dạy, cho dù là nhận nấu cỗ cưới vào những ngày chủ nhật, cho dù là giữa trời rét căm căm vẫn cố đi xa tận mười cây số vì ở đó người ta bán thực phẩm giá rẻ hơn nhưng chưa từng một lần nói với tôi rằng “Mẹ mệt lắm!” Trong khi người phụ nữ kia chỉ cần khóc lóc van nài đòi về một người đàn ông để có thể ăn sung mặc sướng, chăn ấm nệm êm? Tôi muốn hỏi Lâm tại sao bố tôi lại có quyền được chọn từ bỏ chỗ yên ấm này để về với chỗ yên ấm khác còn mẹ tôi lại không có bất kì bến dựa nào để chọn? Phải, tôi đã muốn hỏi Lâm rất nhiều trong buổi chiều hôm đó nhưng không thể nào sắp xếp được ngôn ngữ của mình. Vậy là nước mắt cứ từ từ tuôn ra. Tôi nấc lên từng chặp dài. Lâm ngừng lại. Quay lưng nhìn tôi trìu mến.

“Có nước rơi ra từ mắt cậu kìa!”
Tôi sẽ không để cho họ yên. Tôi không thích. Không thích. “Cậu chỉ mới mười tám tuổi thôi Yên ạ!” Lâm nói. “Liệu cậu có đủ sức chịu đau không?” Lâm xoa đầu tôi cho rối bung lên. Rồi quay về tiếp tục với cái xe đạp của mình. Hai ngày sau, vợ của bố đợi tôi ở cổng trường học và bảo đi uống cà phê một lúc, sẽ không nói lâu đâu. Tôi đồng ý đi theo.
-       Để bác nói thẳng vào vấn đề nhé! Bác không biết cháu có mục đích gì hay không nhưng hãy để mọi thứ yên như cũ đi!
Tôi thấy người phụ nữ ngồi đối diện mình thật đáng thương. Vì chừng đấy năm đã trôi qua, bà ấy vẫn luôn phải cố gồng mình để bảo vệ những thứ mà tôi thực sự tò mò không biết bà có hạnh phúc với hay không.
-       Bác sợ đến thế kia ạ?
Vợ bố nhìn tôi. Ánh mắt đanh lại. Đúng kiểu mà những người không ưa nổi nhau có thể hình dung ra được.
-       Thật rõ là mẹ nào con nấy!
-       À chắc là vậy mà bác sợ đến mức này!
-       Đồ mất dạy!

Tôi đứng lên nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ ấy. Và thấy trước mắt mình là cảnh tượng của mười bốn năm về trước, khi bà ta ngồi đối diện mẹ mình nói những lời bi ai khốn khổ về tình yêu. Mẹ tôi từng nói “đừng chán ghét thiên hạ! hãy bận rộn với tình cảm của mình trước!” trong một tấm bưu thiếp mẹ nhét dưới gối khi tôi thất tình lần đầu tiên. Vào ngay lúc này, tôi yêu mẹ biết mấy. Chắc mẹ tôi cũng đã khóc nhưng tôi đã rõ không phải lúc nào khóc cũng có thể khiến người ta bớt đau đi được. Tôi đi thật nhanh về nhà tìm mẹ. Chạy ào đến, dụi đầu vào lòng mẹ hít hà.

“Mẹ ơi, Yên yêu mẹ!”
M vẫn đi đón con đều đặn. Tôi không để ý nữa. Cho đến một ngày ẩm ướt, đường lầy lội những vũng nước mưa. Một chiếc xe hơi phóng nhanh qua làm nước văng tung toé lên người lúc tôi đi ngang qua M. Tôi buộc phải dừng xe lại. M hỏi. Em có sao không? Tôi còn nhớ rõ. Từng chữ thốt ra từ M như một ngọn lửa nhỏ ấm áp giữa mùa đông. Tôi còn nhớ rõ. M loay hoay cởi áo khoác ngoài của mình ra đưa cho tôi. M lúng túng. Tôi cũng vậy. Lúc nhận lấy chiếc áo, những đầu ngón tay tôi chạm phải đầu ngón tay M. Tôi còn nhớ rõ. Chỉ cần ở gần M trong vòng năm bước chân, đầu óc tôi đã có thể trở nên váng vất. Tôi kể với Lâm về cuộc gặp gỡ. Đột nhiên nảy sinh một ý định điên rồ không rõ hình hài. Tôi đến phòng mạch của M. M thoáng ngạc nhiên. Rồi hỏi. Em đau ở đâu à? Tôi trả lời không. M lại hỏi. Em muốn uống gì không? Tôi trả lời không. M uhm một tiếng, rồi ngẩng mặt lên. Chúng tôi im lặng. Nhìn nhau. Trong khoảng năm phút. Nhưng rất dài. Thật rất dài. Rồi tôi chào M ra về. Ra đến cửa bỗng dưng ngừng lại. Ngày mai em lại đến có được không? M đứng lên, mở cửa cho tôi. Đáp lại. Em cứ đến. Tôi đến thật. Suốt một tuần liền, ngày nào tôi cũng xuất hiện rất ngắn như thế ở phòng mạch của M. Hội thoại hầu như chẳng có gì. Nhưng tôi không thấy ái ngại chút nào. Có cảm giác M cũng thế. Vì lần nào chúng tôi cũng cười với nhau. Dịu dàng. Lâm đã phát hiện ra. Một cách dễ dàng. Khi các buổi chiều tôi ghé sang nhà Lâm trễ hơn thường lệ một cách liên tục.
-       Cậu đang làm gì thế?
-       Mình sẽ yêu anh ta.
....
Trích Phải Lòng- Phan Ý Yên

Bài cùng thư mục

0 comentários:

Đăng nhận xét