11/1/12


Năm 2011, XK thủy sản của Việt Nam đã cán đích 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010 và tăng gấp hơn 3 lần so với mức 2 tỷ USD năm 2002 - Đó là thông tin đáng chú ý nhất do VASEP công bố vào ngày 6-1-2012 vừa qua nhận dịp tổ chức Hội nghị Tổng kết Xuất khẩu Thủy sản năm 2011 tại khách sạn Sheraton, TPHCM.
Với tổng giá trị xuất khẩu mang về cho đất nước trị giá 6,1 tỷ đồng, năm 2011 tiếp tục được xem là năm thành công của ngành thủy sản Việt Nam. Trong ảnh: các đại biểu tham dự hội nghị tại khách sạn Sheraton.
Với tổng giá trị xuất khẩu năm 2011 tăng 21% so với 2010, ngành XK thủy sản Việt Nam đã xuất sắc mang về cho đất nước hơn 6,1 tỷ USD. Tổng lượng thủy sản của VN trong năm 2011 đạt 5,2 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 3 triệu tấn và nuôi trồng thủy sản đạt mức sản lượng 2,2 triệu tấn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, cộng với những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh thủy sản xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới, đây là thành tích đáng tự hào của ngành thủy sản Việt Nam, là kết quả tốt đẹp nhất từ quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nông dân, ngư dân, các cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là các DN XK thủy sản Việt Nam.
Lần đầu tiên vượt qua mốc 2 tỷ USD XK vào năm 2010, tôm XK của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với giá trị năm 2011 đạt gần 2,4 tỷ USD, trong đó XK tôm sú chiếm 59,7% tổng giá trị, XK tôm chân trắng chiếm 29,3%, còn lại là tôm các loại khác. Mặt hàng tôm xuất khẩu VN hiện đã có mặt ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng thứ 2 là ngành XK cá tra với lượng ngoại tệ mang về cho đất nước hơn 1,8 tỷ USD (tăng gần 26,5%) với khối lượng XK trên 600.000 tấn (tăng 3% so với năm 2010). Năm 2011, đã có hơn 230 DN tham gia vào mảng XK cá tra đến hơn 130 thị trường trên thế giới. Trong đó, 10 thị trường lớn nhất chiếm 73% về giá trị, tăng so với mức trên 70% cùng kỳ năm ngoái. Giá trị XK cá ngừ năm 2011 đạt 379,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 29,4%. Năm 2011, giá trị XK mực, bạch tuộc của cả nước đạt 520,3 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ cả năm 2011 đạt gần 82 triệu USD. Đây là mặt hàng duy nhất trong nhóm hàng hải sản giảm sút về giá trị XK so với năm trước. Năm 2011, nguồn nguyên liệu nghêu (đặc biệt là nghêu trắng) bị thiệt hại nặng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK mặt hàng này.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG):
Trong năm 2012, nhằm duy trì khả năng tăng trưởng ổn định cho ngành cá tra Việt Nam, chúng ta cần có những sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ hơn về thủ tục hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Trước mắt cần loại bỏ phí kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo Thông tư 55/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để có thể xuất khẩu, nhà sản xuất đã phải tuân thủ các điều kiện mà nhà nhập khẩu đưa ra cũng như quy định chặt chẽ của thị trường quốc tế nên việc kiểm tra chỉ gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, hiện tại những nước nhập khẩu không yêu cầu việc kiểm tra này. Bên cạnh việc tăng thêm giá thành, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, các định phí không cần thiết này góp phần không nhỏ trong việc tạo ra ách tắc cho vấn đề lưu thông hàng hóa, làm cho giá thành hàng hóa cao hơn, sức hấp dẫn của cá tra Việt Nam vì thế cũng giảm sút đáng kể. Nếu vấn đề này được giải quyết, tôi cho rằng cơ hội phát triển cho con cá tra Việt Nam sẽ nhiều hơn, sức cạnh tranh sẽ cao hơn, sản lượng nuôi nhiều hơn và bán ra sẽ tốt hơn. Một điều quan trọng khác, cần có chính sách quản lý nguồn tín dụng hỗ trợ để doanh nghiệp và nông dân đủ vốn để đầu tư nuôi trồng, xuất khẩu.
Từ những kết quả đạt được trong năm 2011, tại Hội nghị Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012, Bộ NN và PTNT đặt mục tiêu cho năm 2012, cả nước phấn đấu đạt tổng kim ngạch XK thủy sản 6,5 tỷ USD. Xa hơn nữa, cộng đồng DN thủy sản Việt Nam bắt đầu hướng tới mục tiêu nêu ra trong Chiến lược Phát triển XK thủy sản giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ là đến năm 2020 đạt giá trị XK 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về XK thủy sản trên thế giới. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn, cần có những giải pháp thích hợp và tích cực thì mới có thể đạt mục tiêu 10 tỷ USD. Đó là thách thức về thiếu nguyên liệu cho chế biến XK, thách thức về chất lượng – vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) - năng lực cạnh tranh và thách thức về phát triển thị trường XK.
Để vượt qua những thách thức này, ngành thủy sản rất cần sự đầu tư hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực hiện các giải pháp như: nâng cao sản lượng và mức độ chế biến sản phẩm thủy sản trong nước để tăng giá trị XK, đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cho gia công XK; thiết lập hệ thống kiểm soát chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chuẩn, quy phạm, quản lý chất lượng, VSATTP trong tất cả các khâu sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý chất lượng, VSATTP của DN và người nuôi trong chuỗi sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thủy sản VN ra nước ngoài.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2012, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,35 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản đạt 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3,15 triệu tấn, cùng với chính sách hỗ trợ và các chương trình phát triển của nhà nước, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản (tập trung vào 3 loài tôm, cá tra và nhuyễn thể) và tăng cường cho khâu bảo quản sau khai thác nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản XK, cùng với kế hoạch tái cơ cấu sản xuất (đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng) và sự linh hoạt của DN xuất khẩu với sự ủng hộ của nhà nước. Dự báo năm 2012, XK thủy sản của cả nước sẽ đạt con số từ 6,5 – 6,7 tỷ USD, tăng 20 - 25% so với 2011. Trong đó, cá tra sẽ đem về 1,8 - 2 tỷ USD, tôm sẽ đạt 2,5 tỷ USD và XK các mặt hàng hải sản sẽ đạt mức 2 tỷ USD. Nguồn nguyên liệu tôm và cá tra có thể sẽ ổn định hơn, nhưng nguồn nguyên liệu hải sản khó có thể tăng vì những khó khăn như nguồn lợi, thời tiết và các chi phí đánh bắt. Tuy nhiên, các DN thủy sản sẽ bù đắp bằng lượng thủy sản nguyên liệu NK về Việt Namï sản xuất gia công để XK.


Những bất cập của ngành nuôi trồng thủy sản trong năm 2011:
1. Thiếu quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa đồng bộ khiến nhiều vùng NTTS phát triển tự phát, ít gắn kết với thị trường.
2. Thiếu đầu tư từ Nhà nước cho NTTS, người nuôi đa phần tự xoay sở về vốn, kỹ thuật... dẫn đến thiếu tính ổn định, còn manh mún, thiếu ổn định và kém hiệu quả.
3. Chi phí sản xuất tăng cao (thức ăn cho NTTS, nhân công, kiểm soát chất lượng, thiết bị..)
4. Chất lượng giống thủy sản chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến tình trạng dịch bệnh còn tiếp diễn. Đối với cá tra và tôm nuôi, chất lượng con giống thấp, tỉ lệ sống của cá tra bột chỉ đạt 20-30%, lượng tôm giống qua kiểm dịch chưa cao. Chất lượng cá bố mẹ thấp, chưa được tiêu chuẩn hóa, chưa chọn lọc theo tính trạng ưu việt nên có hiện tượng thoái hóa do cận huyết, tôm bố mẹ hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chất lượng không đồng đều và khó kiểm soát dịch bệnh.
5. Chưa có sự kiểm soát đồng bộ và triệt để đối với việc sử dụng hóa chất, kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi thủy sản, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng sử dụng cho XK.
6. Thị trường biến động thất thường, cập nhật thông tin theo chuỗi còn chậm, người nuôi chưa chủ động được với sự thay đổi về nhu cầu thị trường.



Giải pháp của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2012
1. Chính phủ cần đầu tư nghiêm túc và hỗ trợ cộng đồng DN đẩy mạnh hoạt động quảng bá thủy sản VN ra nước ngoài thông qua nhiều hình thức xúc tiến thương mại, giới thiệu đầy đủ thông tin về hệ thống khai thác, nuôi trồng, chế biến được kiểm soát tốt bằng các hoạt động tiếp thị chuyên nghiệp; cung cấp và trao đổi thông tin hai chiều giúp DN nắm bắt được xu hướng thị trường, có định hướng kinh doanh phù hợp và hiệu quả.
2. Chủ động vượt qua các rào cản thương mại, tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác nhằm hạn chế tác động của các vụ kiện, phối hợp cùng các nhà NK trong công tác truyền thông để phản bác các thông tin sai lệch về thủy sản VN.
3. Thật sự giảm tối đa các thủ tục hành chính gây chi phí lớn cho sản xuất và XK thủy sản, tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng DN nhằm nâng cao uy tín, sức cạnh tranh và giá trị của thủy sản.



  Theo: SGGP

Bài cùng thư mục

0 comentários:

Đăng nhận xét