Năm 2011, xuất khẩu tôm tiếp tục là mũi nhọn trong ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, ưu thế khác biệt giữa tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã nảy sinh nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề quy hoạch vùng nuôi. Tăng hay giảm diện tích nuôi loại tôm nào? Những vấn đề nào sẽ phát sinh? Cơ quan chức năng, người nuôi trồng thủy sản cần làm gì để đạt được sự cân bằng hiệu quả trong nuôi trồng, sản xuất loại mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao này?
Ông Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản: Cần tuân thủ lịch thời vụ thả giống
Hiện nay ở một số địa phương, người nuôi trồng thủy sản không theo khuyến cáo về lịch thời vụ, điều kiện thời tiết không thích hợp dẫn đến dịch bệnh tôm xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Để đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch về nuôi trồng thủy sản năm 2012, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành chỉ đạo chặt chẽ người nuôi tuân thủ lịch thời vụ thả giống, thực hiện số vụ nuôi thích hợp, thả cỡ giống lớn đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn của ngành. Trong khung thời vụ chung, căn cứ theo điều kiện tự nhiên, dự báo thời tiết, cơ sở hạ tầng từng vùng, để xây dựng lịch thời vụ cụ thể và chỉ cho thả giống khi hệ thống ao nuôi của vùng đã được chuẩn bị kỹ, các yếu tố môi trường, thời tiết phù hợp, chỉ đạo thả rải vụ để tránh tình trạng thiếu giống gây sốt giá hoặc khi thu hoạch cùng thời điểm dễ bị tư thương ép giá. Đối với các tỉnh khu vực phía Nam, nuôi TTCT tại những vùng được quy hoạch chủ động nguồn nước, thả từ tháng 2-7, mật độ 80-100 con/m2. Nuôi tôm sú thả từ tháng 3-7. Đối với các tỉnh khu vực miền Trung, nuôi TTCT thả từ tháng 3-7, mật độ 100-150 con/m2. Nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh 1 vụ, thả từ tháng 3-6.
“Vua tôm” Sáu Ngoãn (Bạc Liêu): Quy hoạch gắn liền với “đầu ra” sản phẩm
Nuôi tôm có nhiều đối tượng, nhiều mô hình như quảng canh, thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp và hiện nay là nuôi siêu công nghiệp (tôm thẻ chân trắng). Để bà con nông dân lựa chọn đối tượng, mô hình nuôi phù hợp cần phải có sự hướng dẫn của ngành, địa phương cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước. Đối tượng, mô hình được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, không nên chạy theo phong trào. Hiện nay có nhiều công ty lớn chủ động được đầu ra, đầu vào trong nuôi tôm công nghiệp (như Tập đoàn C.P) phát động nuôi TTCT (mật độ nuôi từ 100 con trở lên), với chi phí đầu tư giống, thức ăn đều cao, kèm với đó là chất thải lớn dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Về vấn đề này, tôi đã từng có ý kiến trên nhiều phương tiện truyền thông khi mà Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thống nhất được về tác động của nuôi TTCT đối với môi trường. Theo tôi, quy hoạch nuôi tôm cần phải rút kinh nghiệm từ việc nuôi cá tra, cá da trơn. TTCT tuy có năng suất cao, nhưng chi phí đầu vào cao, sản lượng lớn nhưng nông dân lại hay bị ép giá nên lợi nhuận không cao. Vì thế, mấu chốt trong quy hoạch nuôi tôm là phải gắn chặt “đầu ra” của sản phẩm.
Quy hoạch trong nuôi tôm còn nhiều việc cần bàn Ảnh: Thanh Nhã
Bà Ngô Thị Thanh Hương - Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản:Chủ lực vẫn là tôm sú và tôm thẻ
Tôm sú và TTCT là những đối tượng chủ lực đóng góp chủ yếu trong cơ cấu sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2010-2020. Đối với nuôi tôm sú, sẽ áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các qui trình nuôi tốt (VietGAP) hay nuôi có trách nhiệm và quản lý vùng nuôi an toàn sẽ được đẩy mạnh nhằm tạo sản phẩm đáp ứng được với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Về phương thức nuôi, trong giai đoạn 2010-2020, diện tích nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh sẽ tăng dần và diện tích nuôi quảng canh cải tiến sẽ giảm xuống. Việc phát triển nuôi TTCT sẽ được quản lý chặt chẽ để không ảnh hưởng môi trường và không phát triển ồ ạt nuôi đối tượng này. Đến năm 2015, diện tích tôm sú sẽ giảm còn 588.000 ha, năm 2020 còn 580.700 ha, trong khi đó diện tích nuôi TTCT sẽ tăng lên 35.500 ha vào năm 2015 và 49.320 ha vào năm 2020.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh: Tốt nhất nên nuôi bằng chế phẩm sinh học
Là đơn vị nuôi tôm sú công nghiệp - bán công nghiệp lâu năm, chúng tôi thấy nuôi bằng chế phẩm sinh học đem lại hiệu quả cao và bền vững. Với mô hình này, chúng tôi đã thu hoạch trung bình 10-15 tấn tôm/năm (cỡ tôm 17-22 con/kg) cho lợi nhuận từ 2-3,5 tỉ đồng/năm. Tính ưu việt của quy trình là mô hình khép kín, hạn chế thay nước, đồng thời có thể tận dụng nước trong ao của vụ trước để nuôi vụ sau thông qua việc xử lý bằng các chế phẩm vi sinh; từ đó cải thiện và sử dụng có hiệu quả, lâu bền tài nguyên đất, nước. Vì thế trong quy hoạch nuôi tôm cũng cần tính đến yếu tố này.Hiện nay, mạng lưới kỹ sư thị trường của Công ty Trúc Anh có hơn 30 người được phân bổ ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… với mục đích mang quy trình nuôi tôm sạch, ứng dụng chế phẩm sinh học đến với nhiều bà con nuôi tôm. Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo, chúng tôi mong các ngành chức năng tiếp tục tạo mọi điều kiện về chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, vốn; đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản; tiếp tục tăng cường các hoạt động khuyến ngư… nhằm tạo dựng thương hiệu tôm sú sạch Bạc Liêu trên thị trường, góp phần tăng giá trị xuất khẩu của thủy sản Việt Nam.
Theo : Thuysanvietnam
Người viết: Phương Linh
0 comentários:
Đăng nhận xét