
Chán cách học hiện tại
Đậu nguyện vọng 2 vào ngành Văn hóa học của trường ĐH KHXH & NV, K.P (sinh viên năm 1) sau một thời gian học tập tại trường đã đi đến quyết định: ôn tập khối A để năm sau thi vào tài chính – ngân hàng, ngành mà K.P cảm thấy phù hợp với bản thân và đúng ý với ba mẹ. P cho biết: “Vào trường này rồi mới biết, ngành Văn hóa học không phù hợp với mình, phải học bài với một lượng kiến thức khá nặng, và phải lanh lẹ, am hiểu nữa, trong khi hồi trước mình học ban A. Lần thi giữa kì vừa rồi, chẳng môn nào mình làm được trọn vẹn”
Năm 12, K.P miễn cưỡng thì tài chính – ngân hàng dù rằng bản thân không thích, và P trượt nguyện vọng 1. Không muốn học một trường dân lập, P quyết định thi nguyện vọng 2 để kiếm một trường công lập (dù ngành học không phù hợp). P bày tỏ: “Mình không thích nghi nổi với cách học hiện tại, hiện tại mình còn trẻ, còn thời gian để học và chuyển đổi ngành, mình sẽ quyết tâm lần này”
Môi trường học tập không tốt
“Bạn bè thi nhau cúp học vì…nản với cách dạy và không theo kịp chương trình. Suốt ngày chỉ làm bài thuyết trình nhóm, thi giữa kì thì đề mở, cuối kì thì “hợp tác để làm bài”. Học đã hai năm rồi nhưng mình chẳng tích lũy được gì cả. Thời gian trôi qua, mình cảm thấy sợ. Cứ đà này, khi tốt nghiệp, mình cũng chẳng tìm được công việc thích hợp khi trình độ chuyên môn không có” – B.L (sinh viên năm 2 trường CĐ X) chia sẻ
B.L quyết định thi lại vào ngành quản trị kinh doanh, hệ đại học. “Mình đã có sẵn nền tảng kiến thức, nếu chịu khó ôn lại thì cũng không khó lắm. Mình không bị áp lực về điểm số và thi cử như các bạn học sinh, do vậy nên việc thi lại cũng thuận tiện hơn. Mình rất tự tin vào bản thân”
Quyết tâm theo đuổi đam mê
Là học sinh giỏi, nhưng do bị áp lực thi cử nên M.D (sinh viên y khoa năm 1) chỉ đủ điểm để học hệ ngoài ngân sách. Dù vậy, bên cạnh việc cố gắng hoàn thành chương trình hiện tại, D vẫn ôm mộng thi vào ngành dược sĩ của ĐH Y Dược.
“Đó mới chính xác là sở thích của mình. Năm vừa rồi, sau khi biết kết quả, mình cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và xấu hổ trước bạn bè, vì họ luôn tin chắc rằng mình sẽ đậu ĐH Y Dược. Nhưng thật không may… Hiện tại, mình đang tích cực ôn luyện lại khối B, mình không muốn bỏ phí 6 năm để học một ngành mình không thích lắm. Nếu thật sự đam mê một cái gì đó, chẳng bao giờ là quá muộn để bạn quyết tâm theo đuổi” – Anh chàng cho biết
Nhận ra điều gì cần hơn cho bản thân
Đậu vào ngành mình thích, nhưng K.P (sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm) lại quyết định…rẽ theo hướng khác: ôn thi lại vào quản trị kinh doanh. Rất nhiều người phản đối quyết định này vì cho rằng P theo phong trào nhưng cô nàng bình thản: “Mình biết mình cần gì hơn”.
P chia sẻ, nếu chỉ có đam mê mà không có động lực và e dè trước những chướng ngại, có lẽ cô nàng không nên tiếp tục học Công nghệ thực phẩm. “Mình có đam mê nhưng mình cảm thấy tương lai quá mơ hồ, và mình không đủ nghị lực để dấn thân theo đuổi. Quản trị kinh doanh không phải là ngành mình ghét, nếu cố gắng mình vẫn học được. Gia đình trông cậy vào mình. Tốt nghiệp xong ngành này, mình sẽ phụ ba mẹ kinh doanh. Đó là quyết định hợp lý với mình. Nhưng có lời chia sẻ với các bạn, nếu các bạn quyết tâm thật sự và không bị ràng buộc bởi hoàn cảnh, hãy cố gắng theo đuổi những gì mình thích. Mỗi người một hoàn cảnh, nên không thể áp dụng một cách máy móc được”
Muốn được trải nghiệm
Là sinh viên khoa Văn, ĐH Sư Phạm nhưng N.T (sinh năm 1990) quyết định thi vào khoa báo chí – truyền thông (và hiện tại đang học ngành này). T cho biết: “Mình cảm thấy bắt đầu mơ hồ khi chuẩn bị sang năm 3. Tính mình năng động và không thích bị bó buộc, nếu học khoa Văn để rồi chỉ đi dạy rồi về thì thà mình bỏ ngành này để chọn một ngành khác mà mình thích bấy lâu: truyền thông báo chí. Suốt vài năm qua, mình luôn cố gắng tích lũy kiến thức và khi thấy thời điểm thích hợp, mình đã thi lại. Hiện tại, mình rất vui khi được học một ngành phù hợp với bản thân và nhiều thử thách thế này”
Những lý do khác
· Bị tác động bởi mọi người xung quanh (thấy bạn bè thi lại, gia đình khuyên, bị áp lực danh dự…)
· Cảm thấy ngành mình đang học không có tương lai
· Muốn chứng tỏ bản thân
· Chỉ đơn giản là thi thử cho…vui, cảm nhận không khí phòng thi
· Muốn được học chung với bạn bè hay “ai đó đặc biệt”
Không nên thi lại nếu…
· Nguyên nhân thi lại không xuất phát trực tiếp từ chính bản thân bạn
· Bạn chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức và còn khá mơ hồ
· Bạn có thành tích tốt ở ngành học hiện tại
MUCTIM.COM.VN
0 comentários:
Đăng nhận xét