20/1/11

Đảo Bạch Long Vỹ thuộc thành phố Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 2,33 km2, Bạch Long Vỹ không chỉ được biết đến là một hòn đảo có vị trí chiến lược quân sự vô cùng quan trọng trong chiến lược biển Đông còn là hòn đảo thể hiện ý chí tinh thần quyết tâm của người thanh niên xung phong nơi mảnh đất “đầu sóng ngọn gió”.

Những phần quà - tình đất liền với đảo

Hưởng ứng ngày “Thanh niên vì biên cương Tổ quốc” Thành Đoàn Hải Phòng tổ chức chuyến tàu “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” thăm, tặng quà tới các chiến sĩ quân và dân huyện đảo Bạch Long Vỹ do đồng chí Trần Quang Tường- Phó Bí thư Thành đoàn làm Trưởng đoàn, chúng tôi có dịp thăm đảo Bạch Long Vỹ, tại huyện đảo tiền tiêu, mùa xuân như đang đến gần hơn nơi đầu sóng ngọn gió bởi những phần quà ý nghĩa thắm đượm tình cảm đất liền với hải đảo. Nhân dịp này đoàn đã tặng 06 bộ máy tính, con giống, cây xanh và 10 suất quà cho đối tượng gia đình TNXP trên đảo… trị giá 120 triệu đồng tặng cán bộ chiến sỹ, đội viên, TNXP tại đảo Bạch Long Vỹ. 

Đ/c Trần Quang Tường- Phó Bí thư Thành đoàn tặng Liên đội TNXP 02 bộ máy vi tính
Chờ đợi, háo hức, muộn một chút rồi cũng đến giờ xuống tàu thăm đảo. Hành trình từ đất liền ra đảo của chúng tôi bị chậm vài tiếng do ảnh hưởng của gió mùa tăng cường nên đi lại khó khăn hơn một chút… kéo dài mất 9 tiếng đồng hồ. 6 giờ tối tàu cập âu cảng, trong màn đêm gió rét tình cảm giữa đất liền và quân dân huyện đảo được sưởi ấm hơn bằng những cái bắt tay thật chặt của những người lần đầu gặp mặt nhưng không hề xa lạ. Chưa kịp nghỉ cho lại sức sau cơn say sóng liên tiếp nhiều giờ, chúng tôi bắt tay vào làm ngay chương trình giao lưu văn nghệ. Những bài hát ấm tình quân dân, những điệu nhảy sôi động, những cử chỉ thân tình trong chương trình giao lưu quàng khăn cho cô thanh niên xung phong Phạm Thị Ngoan làm cô gái đỏ mặt, e thẹn nhưng làm không khí ấm dần lên sôi nổi hơn xua tan đi cái lạnh giá về đêm của vùng biển.

Chị Vũ Thị Ngân, Liên đội trưởng TNXP Hải Phòng, sinh năm 1974 người có nhiều kỷ niệm và thời gian gắn bó với đảo giới thiệu về Bạch Long Vỹ: Trước đây do không tìm được nguồn nước nên con người không định cư, đảo còn có tên Vô Thủy và một tên khác là Phù Thủy Châu (nghĩa là hòn ngọc nổi trên mặt nước). Năm 1920, sau khi tìm được nguồn nước ngọt, dân cư vùng Quảng Yên - Việt Nam tới đây sinh sống, lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và khai thác hải sản. Đến năm 1937, vua Bảo Đại phái người tới đảo lập đồn canh phòng và xây dựng chế độ lý trưởng. Ngày 16/01/1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tiếp quản đảo, khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt nam đối với đảo, vùng biển, vùng trời và thềm lục địa xung quanh đảo. Trong những năm 1960 – 1965, Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, toàn bộ dân cư của đảo đã được sơ tán về đất liền. Từ năm 1965 cho đến 1992, trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang là Tiểu đoàn 152 sau này là Trung đoàn 952 Vùng I hải quân làm nhiệm vụ. Sau khi thành lập huyện đảo Bạch Long Vỹ thuộc thành phố Hải Phòng, ngày 26/02/1993, Hải Phòng đã tổ chức đưa 62 TNXP và một số hộ ngư dân đầu tiên ra sinh sống và làm việc tại đảo. Năm 1993 chúng tôi là lứa thanh niên đầu tiên ra đảo. Lúc đó toàn đảo chỉ có một dãy nhà dành cho bộ đội, đất đai cằn cỗi, chỉ có cát, sỏi và xương rồng. Đến nước ngọt cũng là của hiếm. Tối đến đèn dầu lù mù, sóng biển đập ồn ào làm cho nỗi nhớ nhà càng nhân lên gấp bội. 6 tháng mới được về nhà một lần, nhiều người nhớ nhà đến phát khóc, nhưng rồi anh chị em động viên nhau cũng vượt qua được mọi khó khăn gian khổ. 

Nơi tình yêu bắt đầu…

Chàng trai Nguyễn Khắc Chính, 22 tuổi, quê xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy ra đảo vừa tròn 1 năm đã quyết định ở lại. Chàng trai trông đen đúa nhưng rắn rỏi này tâm sự về những dự định của mình để xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển hơn: “Tôi rất tin tưởng với những chính sách của Đảng, Nhà nước, “Đảo Thanh niên” Bạch Long Vỹ trong những năm tới sẽ trở nên khang trang, hiện đại, giàu đẹp không kém gì các đảo lớn như Phú Quốc (Kiên Giang), Tuần Châu (Hạ Long)... Và lớp TNXP chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình để tương lai ấy không còn xa...”. Nỗ lực đầu tiên của các thanh niên là trồng rau và cây xanh. Trồng một giống cây xuống, lòng dạ thắc thỏm. Chỉ cần một trận gió Nam cuốn theo hơi nước biển lên, cây cối nhiễm mặn táp hết lá rồi chết dần. Nếu không héo úa vì nắng gió thì cũng ngắc ngoải vì bão. Cuối cùng chỉ còn lại những loài cây chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết như thông, phong ba... Gây dựng được chút mầm xanh cho đảo, các anh chị bắt tay vào xây dựng đường xá, nhà cửa. Đã có hàng trăm chuyến tàu chở từng khối gạch, đá ra đây và thanh niên xung phong tự nỗ lực gây dựng nên những ngôi nhà ở cho chính chính họ, rồi xây trụ sở huyện, xây trường cấp một, bệnh viện, công viên. Trong lao động, trong khó khăn đã làm những trái tim xích lại gần nhau hơn. Từ những cặp đôi đầu tiên, tới nay huyện đảo đã có hơn 40 cặp vợ chồng thanh niên cưới nhau và hàng trăm cặp vợ chồng từ đất liền tình nguyện ra đây sinh sống. Đó là câu chuyện tình cảm động của anh Ngô Quang Minh, Bí thư huyện Đoàn Bạch Long Vỹ với cô thanh niên xung phong Phạm Thị Nhung từ những ngày đầu gặp gỡ: “Bằng tình yêu với đảo xây dựng huyện đảo chúng tôi đã nên duyên và đã có một tổ ấm hạnh phúc”- ôm cậu con trai vào lòng, anh chia sẻ. Hiện tại, trên đảo có khoảng 60 TNXP, trong đó 43 trẻ em con em của TNXP, lực lượng quân đội và các khu dân cư sinh sống. Do đặc điểm xa đất liền nên đời sống vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của người dân trên đảo vô cùng thiếu thốn. 

Gần 20 năm, những bước chân áo xanh tình nguyện đã làm thay đổi hình ảnh đảo xa nghèo khó và xơ xác. Trước mắt những TNXP cũng như những người dân ở đây vẫn còn đó nhiều việc ngổn ngang phải làm. Chị Ngân cho biết, công trình điện sức gió đã bị quật ngã sau cơn bão số 10. Toàn bộ điện sinh hoạt trên đảo phụ thuộc vào hệ thống máy phát nên tình trạng điện phập phù là không tránh khỏi. Điện phập phù, thông tin từ đất liền vào cũng phập phù theo, vì ở đây rất ít nhà có tivi. Thông tin đến được với người dân là nhờ internet. Hơn nữa, những nhà máy sản xuất thuỷ sản nhỏ lẻ cũng không thể hoạt động vì thiếu điện. Nhiều tàu thuyền không cập cảng vì buôn bán không phát triển. Những TNXP đã luống tuổi muốn về đất liền cũng khó khăn vì hiện tại chế độ đãi ngộ còn thấp. Tuổi trẻ đã cống hiến hết để xây dựng đảo, nếu bây giờ về đất liền lại vẫn chỉ có hai bàn tay trắng thì tủi quá. Nhưng tạm gác những trăn trở sang một bên, tất cả thanh niên xung kích trên đảo lại tiếp tục làm việc, hy sinh và cống hiến như họ đã từng làm để biến hòn đảo này thành phố huyện, sắp tới sẽ là khu du lịch trong tương lai gần.

7h sáng hôm sau, chúng tôi rời đảo. Từ Bạch Long Vỹ trở về, lòng tôi tràn ngập ý nghĩ về sức sống mãnh liệt của con người, cảnh vật nơi đây. Từ những cây xương rồng cho tới những thanh niên tình nguyện đều biết cách thích nghi với hoàn cảnh và tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Tạm biệt Bạch Long Vỹ, chúng tôi mang về niềm tin vững chắc của người TNXP. Đó là niềm tin được tạo dựng bởi ước mơ cháy bỏng của tuổi trẻ, của những người mang trong mình lý tưởng “không chịu sống đời nhỏ nhoi”, cống hiến sức thanh xuân để “viên ngọc rồng” Bạch Long Vỹ toả sáng giữa biển khơi.


doanthanhnien.vn

Bài cùng thư mục

0 comentários:

Đăng nhận xét