17/1/11


Cảnh sát biển VN luôn sẵn sàng cho bất cứ nhiệm vụ cam go nào - Ảnh: Mạnh Thường

Môi trường làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm và không phải không có cám dỗ, họ vẫn bám tàu, bám biển, làm những "hiệp sĩ" bảo vệ an ninh và pháp luật trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Những cử nhân luật
Với nước da ngăm ngăm rám nắng, dáng vẻ vạm vỡ, thượng úy Phạm Văn Đồng - Đội trưởng Đội nghiệp vụ số 1, Phòng Pháp luật, Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 (Cục CSB - Bộ Quốc phòng) - rất giống với hình dung thường có về vẻ ngoài của lính biển. Thế nhưng, Đồng còn là một cử nhân Đại học Luật Hà Nội, trước khi đầu quân vào lực lượng CSB hồi năm 2002 sau khi tốt nghiệp. Ở thời điểm ấy, kiếm việc làm ở môi trường bên ngoài không khó nhưng Đồng chỉ làm một bộ hồ sơ duy nhất vào CSB.



Đồng trải qua vài tháng huấn luyện ngắn trước khi xuống tàu làm nhiệm vụ. Chừng đó thời gian chưa thể giúp anh chống chọi, thích nghi với sóng gió biển khơi. Đồng nhớ lần đầu tiên bước chân lên tàu, giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình. “Say sóng suốt 3 ngày, nằm li bì trong khoang, không làm nổi việc gì ngoài uống nước và nôn tại chỗ”, Đồng kể lại. Có những lúc, Đồng tưởng chừng phải chia tay với nghề lính biển nhưng lòng kiêu hãnh của chàng trai quê miền biển Nghĩa Hưng, Nam Định không cho phép dễ dàng chấp nhận thất bại. Sau gần chục năm công tác, Đồng nằm trong số đội trưởng có tuổi đời trẻ và nhiều thành tích nhất của CSB Vùng 1.
Thiếu tá Trần Văn Tâm - Đội trưởng Đội nghiệp vụ số 2 (đóng tại Hà Tĩnh) - cũng xuất thân từ ngành luật. Tốt nghiệp ĐH Luật năm 1996, Tâm vào bộ đội với lý do thật giản dị: “Bố tôi bảo môi trường quân đội là nơi tốt nhất rèn luyện nhân cách, ý chí và nghị lực”. Anh vào Binh đoàn 12 công tác, đến tháng 10.1998 chuyển về lực lượng CSB khi đó mới thành lập được 2 tháng.
Cũng như anh Tâm, Phạm Đức Lượng, SN 1980, vào lính từ ghế giảng đường khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm 2004, anh xin vào công tác tại Vùng 1 CSB. Lượng kể: "Làm luật sư hoặc làm cho doanh nghiệp, có thể chúng tôi không phải nằm bẹp trên sàn tàu sau những cơn say sóng, không phải chia nhau từng ngụm nước, lá rau trên chuyến biển dài ngày. Nhưng ở ngoài quân ngũ, có lẽ tôi cũng không thể có được một cuộc sống ý nghĩa, với sự thanh thản, chân tình của anh em cùng mặc áo lính".
“Đi biển vất vả, khổ cực nhưng cũng có những thời điểm đẹp lắm, những lúc ngắm bình minh trên biển, những đêm câu mực ngoài khơi luộc ngay trên boong tàu để ngồi hát hò cùng nhau. Hơn tất cả, tình cảm của người dân là niềm động viên lớn nhất cho chúng tôi”, Lượng cười hồn nhiên.
"Như phim hành động"
Ở trên biển khi CSB phát hiện tàu có dấu hiệu sai phạm, chủ tàu mở máy hết ga tăng tốc bỏ chạy. Muốn kiểm tra, CSB chỉ còn cách nhảy lên tàu, khống chế mục tiêu. Nhiều đối tượng hung hãn, chống trả rất quyết liệt, chủ động cắt lưới cho vướng vào chân vịt tàu tuần tra hoặc đổ dầu nhớt ra khắp boong tàu, bịt đường tiếp cận của CSB. Thậm chí có trường hợp đối tượng hung hãn vác dao kiếm tấn công lại cảnh sát. Là thành viên không thể thiếu trong tổ tuần tra, cán bộ đội nghiệp vụ bắt buộc phải thành thạo bài học nhảy tàu và những kỹ năng khác để đối phó.
Công việc nhảy tàu luôn tiềm ẩn nguy hiểm khó lường. "Những thời khắc đó do cuốn vào công việc, chúng tôi chỉ tập trung vào việc tìm thời điểm và vị trí an toàn để nhảy sang tàu đối tượng. Nhưng bình tâm nhớ lại những pha nhảy tàu như trong phim hành động cũng hoảng hồn đấy. Sơ sẩy một chút là mất mạng ngay”, thượng úy Đồng tâm sự.
Cường độ làm việc của CSB rất cao do phải liên tục bám biển. Có những người khi vừa hoàn thành chuyến tuần tra chưa kịp lên đất liền đã phải nhảy sang tàu khác để làm nhiệm vụ tiếp. Còn chuyện phải lênh đênh 2, 3 tháng liền trên biển, thậm chí trực qua tết là bình thường.
Do đặc thù cơ động mà các tàu tuần tra đều có thân, vỏ nhẹ để đạt tốc độ cao. Đây cũng là một điểm yếu trong điều kiện thời tiết xấu. Có những ngày sóng lớn, tàu lắc, nghiêng tới gần 45 độ, cần radar trên nóc tàu vít sát mặt biển, kể cả những cán bộ, chiến sĩ đã dạn dày sóng gió cũng phải ra mật xanh mật vàng. Tàu hoạt động dài ngày trên biển nên nước nôi cũng phải hết sức tiết kiệm. Trong những chuyến tuần tra, việc dăm bảy ngày mới được tắm một lần đã trở thành chuyện nhỏ.
Các đối tượng phạm pháp khi bị CSB vây bắt, ngoài việc chạy trốn, chống đối, dọa đánh chìm tàu, dọa tuyệt thực còn tìm cách tiếp cận ngược lại lực lượng CSB. “Cũng giống như trên bờ, khi mình tìm cách tiếp cận đối tượng thì họ cũng tìm cách tiếp cận mình. Tiếp cận để nghe ngóng tình hình, dò tìm hành trình của CSB để tránh né, thậm chí là để bắn ra những “viên đạn bọc đường”, đại tá Nguyễn Sỹ Khương, Chính ủy Vùng CSB 1, cho biết.
Điều đáng nói là kể từ khi thành lập đến nay, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng CSB chưa có cán bộ nào phải kiểm điểm, xử lý liên quan do bị mua chuộc dù số tiền mà các đối tượng đưa ra có lần lên tới gần tỉ đồng. Một trong những vụ việc điển hình là hồi đầu tháng 11.2010, một tàu Đài Loan khi bị phát hiện đưa gần 450 tấn nội tạng động vật vào VN để tiêu thụ đã tìm cách hối lộ lực lượng CSB hàng trăm triệu đồng. Trước sự kiên quyết của lực lượng cảnh sát, chủ tàu đã phải khuất phục.

Theo số liệu Vùng CSB 1 cung cấp, trong năm 2010, Vùng 1 đã tổ chức kiểm tra 206 tàu trong phạm vi hoạt động, kiểm tra xử phạt 44 tàu vi phạm (trong đó có 5 tàu mang quốc tịch nước ngoài) với tổng số tiền nộp hơn 300 triệu đồng. Bắt tịch thu hàng hóa 4 tàu buôn lậu, gian lận thương mại với hơn 4.200 tấn than trị giá gần 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã kết hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xua đuổi hàng trăm tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển VN và tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng nghìn lượt ngư dân làm ăn trên biển.

thanhnien.com.vn

Bài cùng thư mục

0 comentários:

Đăng nhận xét